CÂY NGŨ GIA BÌ
1. Tổng quan về cây Ngũ gia bì
Ngũ gia bì còn được gọi là xuyên gia bì, thích gia bì (ngũ gia bì gai). Ngũ gia bì thường được kết hợp cùng những vị thuốc khác để làm tăng tác dụng chữa bệnh.
Ngũ gia bì có tên khoa học là Acanthopanax aculeatus Seem thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngũ gia bì (Cortex Acanthopanacis) là vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì. Vì lá có 5 lá chét to chụm vào với nhau và chỉ dùng vỏ rễ làm thuốc do đó có tên như vậy.
Ngũ gia bì là cây rất nhỏ, rất nhiều gai, cao chừng 2-3m. Lá mọc so le, kép chân vịt có từ 3 – 5 lá chét, phiến lá chét có hình bầu dục hay hơi thuôn dài, phía cuống hơi thót lại, đầu nhọn mỏng, mép có răng cưa to, cuống lá dài từ 4 – 7cm. Hoa mọc khác gốc, thành hình tán ở đầu cành. Đầu mùa hạ ra hoa nhỏ màu vàng, xanh. Quả mọng, hình cầu, đường kính chừng 2,5mm, khi chín có màu đen.
Ngũ gia bì mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, thường đào cây vào mùa hạ hay mùa thu, lấy rễ, bỏ gỗ, lấy vỏ, phơi khô là được. Khi dùng để sống hoặc sao vàng sắc uống.
2. Tác dụng của cây ngũ gia bì
Ngũ gia bì là vị thuốc có vị đắng, cay, tính mát, quy vào 3 kinh can, phế, thận. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, thư cân, hoạt lạc.
Cây ngũ gia bì được sử dụng trong nền Y học Cổ truyền từ lâu đời, ngày nay các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh tác dụng của ngũ gia bì được sử dụng trong bảo vệ sức khỏe. Sau đây là một số tác dụng của ngũ gia bì:
- Chữa đau nhức xương khớp: nhờ tác dụng khu phong, lợi thấp, mạnh gân xương, thư cân, hoạt lạc. Từ đó được sử dụng để mạnh gân cốt, chữa bệnh lý về xương khớp, lưng đau mỏi gối, trẻ em chậm biết đi. Ngũ gia bì còn có tác dụng làm mềm cơ giúp cơ thư giãn, từ đó hạn chế đau nhức cơ xương khớp.
- Tác dụng an thần: thuốc có tác dụng an thần rõ, do điều tiết sự cân bằng giữa 2 quá trình ức chế và hưng phấn của trung khu thần kinh.
- Tác dụng lên hệ miễn dịch: ngũ gia bì có tác dụng tăng cường miễn dịch của cơ thể cũng như tăng khả năng thực bào của hệ tế bào nội mô, tăng nhanh sự hình thành kháng thể chống lại vi sinh vật. Thuốc còn có tác dụng kháng lại virus, kháng tế bào ung thư, điều chỉnh miễn dịch.
3. Một số bài thuốc có sử dụng cây ngũ gia bì
- Chữa đau khắp mình mẩy, đau lưng, đau xương
Ngũ gia bì thái nhỏ, sao vàng 100g ngâm trong 1 lít rượu trắng 30o , để khoảng 10-15 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Mỗi ngày uống khoảng 30ml rượu ngâm vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Chữa tay chân run không cầm nắm được, miệng lập cập
Ngũ gia bì 30g, ngưu tất, thạch hộc mỗi vị 24g, nhục quế (bỏ vỏ) 6g, gừng khô 3g. Sắc lấy nước uống.
- Chữa sưng đau các khớp kéo dài, hạn chế vận động
Ngũ gia bì 16g, trinh nữ 16g, bưởi bung 16g, nam tục đoạn 20g, ngải diệp 16g, cát căn 16g, đổ nước 4 bát. Sắc còn 2 bát, chia 2 lần uống/ngày.\
- Tráng cốt, trị chứng mềm yếu gân xương, trẻ chậm biết đi, chữa liệt dương
Ngũ gia bì, mộc qua, ngưu tất mỗi vị 3-5g. Sắc lấy nước hoặc tán bột, uống với chút rượu loãng; uống hàng ngày. Sử dụng cho trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, chậm biết đi.
- Chữa chứng thống phong (các khớp sưng đau đột ngột, đi lại khó khăn, toàn thân mệt mỏi)
Ngũ gia bì 16g, bồ công anh 16g, trinh nữ 16g, rễ cỏ xước 20g, nam tục đoạn 16g, đinh lăng 16g, cà gai leo 16g, tất bát 12g, cát căn 16g, đơn hoa 16g, quế 10g, kinh giới 16g, xương bồ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
4. Lưu ý khi sử dụng Ngũ gia bì
- Vị thuốc này có tính vị cay ôn, làm tổn hại phần âm, hỗ trợ phần hỏa nên người âm hư hỏa vượng không nên dùng.
- Tránh nhầm ngũ gia bì với cây đùm đũm (cây ngấy) tên khoa học Rubus cochinchinensis Tratt, họ Hoa hồng (Rosaceae) cũng có nơi được gọi là cây ngũ gia bì trong dân gian.
- Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Trên đây là một số thông tin về cây ngũ gia bì. Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn có câu hỏi thắc mắc cần giải đáp!