1. Tổng quan về Phá cố chỉ
Phá cố chỉ còn được biết đến với tên gọi là Bổ cốt chi hay Đậu miêu. Phá cố chỉ là loại cây thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Psoralea Corylifolia L. Đây là loại cây nhỏ, cao khoảng 0,3-1m, mọc hằng năm, Trên thân cây được bao trùm bởi lông nhỏ màu trắng. Lá cây có hình trứng, đáy lá tròn, mép có răng cưa, mọc so le nhau. Hoa phá cố chỉ mọc thành chùm dài khoảng 6-10cm ở kẽ lá. Quả có hình trứng màu đen, kích thước chiều dài khoảng 5mm, rộng 3mm. Hạt có màu đen hoặc nâu, hình trứng dẹt hay hình thận. Trên bề mặt hạt, có vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm.
Bộ phận dùng làm thuốc của dược liệu này là hạt, sau khi phơi khô có thể dùng sống hoặc chế biến bằng một số cách như sao, chích muối, chích rượu. Sau khi thu hái, mang về rửa sạch, để ráo. Sau đó, sao qua với một ít muối rồi mang đi phơi nắng, bảo quản dùng dần. Khi cần dùng, ngâm Phá cố chỉ với rượu một đêm. Sau đó lại ngâm thêm với nước qua một đêm. Phơi khô, tẩm muối (sử dụng 2,5kg muối cho 100kg dược liệu), đun nhỏ lửa, sao xơ dùng.
Trong hạt phá cố chỉ chứa khoảng 20% chất dầu, một ít tinh dầu trong đó có isopsoralen (angelicin), psoralen, alkaloid, glucozit và 9,2% chất nhựa. Tinh dầu có tác dụng đối với vi trùng streptococcus trên da, dùng chữa bệnh bạch biến, vì nó kích thích sự bài tiết các sắc tố đen. Ngoài ra phá cố chỉ làm tim co bóp mạnh hơn, tăng lưu lượng máu đối với động mạch vành tim và các vi huyết quản; có tác dụng ức chế với liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, staphylococcus, trực khuẩn lao và các virus thường gặp.
2. Tác dụng của Phá cố chỉ
Phá cố chỉ là loại dược liệu có vị cay, đắng, tính đại ôn. Trong dân gian, loại dược liệu này có tác dụng như một loại thuốc bổ dùng cho người già yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh. Phụ nữ dùng dược liệu này để chữa khí hư, kinh nguyệt không đều.
Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra nhiều công dụng của phá cố chỉ:
- Giãn động mạch vành, tăng sức co bóp cơ tim mạnh hơn. Đồng thời thúc đẩy quá trình tăng lưu lượng máu của động mạch vành.
- Kích thích sự sinh trưởng của những tế bào bạch cầu hạt.
- Kháng khuẩn in vitro, ức chế các hoạt động của tụ cầu vàng, trực khuẩn lao và tụ cầu trắng.
- Dịch chiết xuất từ vị thuốc có tác dụng hưng phấn cơ trơn, mềm giãn tử cung (thí nghiệm với chuột)
- Điều tiết huyết dịch và thần kinh, đồng thời kích thích tủy xương tạo máu, thúc đẩy quá trình tăng cường hệ miễn dịch và chức năng các hormone. Từ đó chống lão suy.
- Lượng tinh dầu của dược liệu có tác dụng phòng chống bệnh ung thư, ức chế tế bào Hela và Sarcoma-180.
- Tăng cường sắc tố da do cải thiện dinh dưỡng, bổ mạch.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh của Phá cố chỉ
- Chữa liệt dương: phá cố chỉ, thỏ ty tử, hồ đào nhục, mỗi vị 9g, trầm hương 2g. Tất cả tán bột, rây mịn, trộn với mật ong làm viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 9-18g với nước muối loãng.
- Chữa di tinh, tiểu són, tiểu không tự chủ: phá cố chỉ 12g, nhân hạt máu chó, đương quy, ba kích, thục địa tẩm rượu sao, mỗi vị 10g; hồi hương, nhục quế, mỗi vị 16g. Tán bột mịn, làm viên, uống mỗi ngày 20-30g. Hoặc phá cố chỉ 12g; liên nhục 16g; sừng nai, ba kích, thỏ ty tử, hoàng tinh, hoài sơn, mỗi vị 10g. Tán bột uống 30g mỗi ngày hoặc sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Chữa thận hư, tỳ vị kém, lưng gối lạnh đau, kinh bế, lỵ lâu ngày không khỏi: phá cố chỉ 30g, nhục đậu khấu 30g. Tán bột, trộn với hồ được chế từ gừng và đại táo, làm thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g.
- Chữa tiểu tiện ít, tiểu tiện khó: phá cố chỉ, phụ tử chế, nhục thung dung, thục địa, đương quy, mỗi vị 12g; lộc nhung, trầm hương, mỗi vị 4g; xạ hương 0,4g. Tất cả tán bột làm viên uống mỗi ngày 5-10g.
- Chữa đau bụng sau khi hành kinh: phá cố chỉ 8g, thỏ ty tử, ngưu tất, mỗi vị 12g; ba kích, bạch thược, thục địa, đương quy, a giao, mỗi vị 8g sắc uống.
Trên đây là một số thông tin về dược liệu Phá cố chỉ. Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn có câu hỏi thắc mắc cần giải đáp!