Cây sơn nại là một loại cây được trồng hay mọc hoang rất nhiều ở nước ta. Từ lâu đời cây thuốc này đã được sử dụng trong điều trị một số trường hợp đau nhức xương khớp.

1. Tổng quan về cây Sơn nại 

Cây sơn nại còn có tên gọi khác là Tam nại, địa liền, thiền liền hoặc sa khương tên khoa học Kaempferia galanga L thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm và không có thân. Lá có hình trứng gần tròn gồm 2-3 cái, có bẹ và mọc xòe ra trên mặt đất, phiến lá rộng 6 – 7 cm và dài 8 – 10cm, nhẵn bóng, mép lá nguyên và mặt dưới hơi có lông. Cụm hoa mọc ở nách lá, không có cuống, có màu trắng pha tím. Thân rễ có nhiều rễ củ nhỏ, mọc nối tiếp nhau và có dạng hình trứng với nhiều vân ngang. 

Sơn nại có rất nhiều công dụng chữa bệnh

Bộ phận dùng là thân rễ thu hái vào mùa đông xuân, rửa sạch phơi khô, không được sấy bằng than.

2. Thành phần hóa học của Sơn nại 

Trong thân rễ sơn nại có chứa những loại tinh dầu dễ bay hơi chiếm 2.5 – 4% như camphene, kaempferol, kaempferide, cinnamaldehyde, axit p-methoxycinnamic và ethyl cinnamate, một số alcaloid, tinh bột, protein, amino axit, khoáng chất và chất béo.

Ngoài ra, sơn nại còn có các yếu tố vi lượng như kali, phốt pho và magie cao hơn đáng kể so với sắt, mangan, kẽm, coban và niken.

3. Tác dụng của sơn nại

Trong dân gian thường sử dụng cây sơn nại để chữa đau nhức xương khớp với dạng uống và xoa bóp. Ngày nay sơn nại được các nhà nghiên cứu chỉ ra một số tác dụng dược lý, sử dụng trên lâm sàng. Một số tác dụng dược lý, sử dụng trên lâm sàng. Một số tác dụng của sơn nại như:

  • Giảm đau, kháng viêm: Sơn nại có tác dụng ức chế thụ thể đau hóa học và cơ học. Cơ chế giảm đau liên quan đến thụ thể opioid ở hệ thống trung ương và enzym cyclooxygenase ở hệ thống ngoại biên. 
  • Ức chế tăng sinh và ức chế sản sinh các gốc oxy hóa tự do: Ethyl para-methoxycinnamate (EPMC), có thể chịu trách nhiệm cho khả năng bảo vệ khỏi tổn thương oxy hóa mà không gây độc cho tế bào. EPMC có hoạt tính ức chế chống lại các tế bào ung thư biểu mô WRL-68 và MDA-MB-231.
  • Ức chế vi khuẩn : Dịch chiết từ thân rễ sơn nại có khả năng ức chế hoạt động của một số vi khuẩn như tụ cầu, trực khuẩn, nấm Candida albicans, vi khuẩn E.coli, viêm phổi Klebsiella, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn tả và cả phế cầu.
  • An thần: Thành phần trong thân rễ sơn nại có tác dụng an thần thông qua việc ức chế hoạt động vận động.
  • Tác dụng giãn mạch: Dịch chiết sơn nại ức chế dòng canxi đi vào các tế bào mạch máu. Ức chế giải phóng oxit nitric và prostaglandin từ tế bào nội mô có tác dụng giãn mạch, chống tăng huyết áp.
Sơn nại được dùng uống hoặc xoa bóp để chữa xương khớp

4. Lưu ý khi sử dụng sơn nại 

Sơn nại có tính ấm và một số hoạt chất có thể gây một vài tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, không nên lạm dụng với liều lượng lớn trong thời gian dài. Những đối tượng âm hư, hỏa uất, dạ dày đau nóng rát hoặc thiếu máu không nên dùng cây sơn nại để chữa bệnh. 

Trong quá trình sử dụng, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên tạm ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin về cây sơn nại. Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn có câu hỏi thắc mắc cần giải đáp!

Leave a Reply

Đặt hàng online
× Add a menu in "WP Dashboard->Appearance->Menus" and select Display location "WP Bottom Menu"
Call Now Button