Bệnh nhân thoái hóa khớp gối thường có xu hướng ngại vận động do cảm giác đau, cứng khớp khó chịu ở mỗi cử động. Tuy nhiên tập luyện được coi là một biện pháp trị liệu hiệu quả đối với các bệnh lý xương khớp. Và “thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?” chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều người trong cuộc. Cùng tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Lợi ích của việc đi bộ đối với người thoái hóa khớp gối
Tập luyện thể dục luôn được đánh giá có tác dụng rất tốt cho bệnh nhân mắc thoái hóa khớp gối. Việc đi bộ nhẹ nhàng, phù hợp là giải pháp hoàn hảo giúp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối, cụ thể:
- Giảm đau: Thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu cung cấp các dưỡng chất cho tế bào sụn khớp bị tổn thương, ngăn chặn tình trạng cứng khớp, căng cơ
- Nuôi dưỡng và bảo vệ khớp gối: Việc vận động thường xuyên giúp tăng tiết dịch khớp, giúp sụn khớp nhận đủ dinh dưỡng để duy trì sức khỏe cũng như chức năng vốn có, đồng thời giúp bảo vệ khớp gối đang chịu tổn thương.
- Giảm áp lực lên khớp gối: Đi bộ giúp đốt cháy calo, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, từ đó có thể giảm áp lực mà khớp gối đang phải gánh chịu.
- Đi bộ còn giúp tăng cường sức mạnh của cơ bắp xung quanh khớp, cải thiện khả năng giữ thăng bằng, giúp người bệnh ngủ ngon hơn, giảm thiểu căng thẳng,..hỗ trợ cải thiện bệnh hiệu quả hơn.
2. Người bị thoái hóa khớp gối nên đi bộ như thế nào
Người bị thoái hóa khớp gối nên đi bộ để giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, bệnh nhân cần luyện tập đúng cách để đạt được kết quả tốt nhất.
2.1. Khởi động trước khi tập luyện
Thực hiện các động tác khởi động 5-10 phút trước khi đi bộ sẽ giúp thư giãn cơ, làm nóng khớp gối, giúp bạn đi lại dễ dàng hơn, hạn chế nguy cơ chấn thương trong lúc hoạt động. Đặc biệt, bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên chú ý khởi động kỹ ở động tác xoay đầu gối và xoay cổ chân
2.2. Lựa chọn thời gian
Người bệnh thoái hóa khớp gối nên đi bộ khoảng 30 – 60 phút một ngày. Hơn nữa, không tập luyện liền một lúc mà nên chia nhỏ các khoảng thời gian. Thời điểm tốt nhất để đi bộ là vào khoảng buổi sáng và buổi chiều.
2.3. Cường độ đi bộ
Để tránh gây áp lực lên khớp gối, người bệnh chỉ nên đi bộ khoảng 6000 bước mỗi ngày, tương đương khoảng 4km. Nên bước những bước đi vừa phải, không nên đi sải bước quá dài hoặc đi quá nhanh.
Khi khả năng vận động của khớp gối đã được cải thiện, có thể nâng dần cường độ và khoảng cách sao cho phù hợp với thể trạng.
3. Một số lưu ý trong quá trình tập luyện
Để tránh những chấn thương không đang có, người bệnh cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Dừng việc đi bộ nếu có triệu chứng đau nhức ngày càng tăng, khớp gối bị sưng tấy.
- Khi mới bắt đầu đi bộ, nên chọn những tuyến đường bằng phẳng, không gồ ghề, ít xe cộ qua lại như vỉa hè, công viên để tập luyện.
- Hạn chế các tư thế làm tăng áp lực tì đè lên khớp gối. Tránh các tác động thay đổi khớp gối đột ngột hay sai tư thế khi mang vác vật nặng.
- Bảo đảm cân bằng các loại dưỡng chất, nên tăng cường nhóm thực phẩm tốt cho xương khớp, các thực phẩm giàu calci, phospho, vitamin D…vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Trên đây là lời giải đáp chi tiết cho câu hỏi “Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?”. Bên cạnh việc đi bộ, bệnh nhân có thể thực hiện thêm một số bài tập cho thoái hóa khớp gối để cải thiện tình trạng bệnh và rút ngắn thời gian điều trị.
Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn có câu hỏi thắc mắc cần giải đáp!